Trước tình hình một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị phải đóng cửa để đảm bảo phòng chống dịch, nên giá cả hàng hóa tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh tại Hà Nội tăng mạnh.
Cầm phiếu đi chợ ngày 5/8, anh Nguyễn Văn Hữu (phường Phương Mai, quận Thanh Xuân) giật mình vì giá rau củ tăng quá nhanh.
“Mới tuần trước tôi mua 1 mớ rau muống giá 5.000 đồng thì hôm nay giá đã tăng lên 15.000 đồng/bó; rau cải từ 4.000 đồng lên 7.000 đồng/bó; rau mùng tơi từ 4.000 tăng lên 6.000 đồng/bó; bí xanh từ 20.000 đồng/kg hiện đã có giá 28.000 đồng/kg, dưa chuột từ 20.000 đồng/kg nay tăng lên 25.000 đồng/kg…
Không riêng gì rau xanh, giá thịt lợn, thịt gà cũng tăng, như thịt lợn trước đây có giá khoảng 130.000 đồng/kg tùy loại thì hiện tại đã tăng lên 150-160.000 đồng/kg tùy loại; gà sống (nguyên lông) từ 110.000 đồng/kg lên 120-130.000 đồng/kg…”, anh Hữu cho biết.
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh ở địa bàn quận Thanh Xuân và Hoàng Mai trong ngày 5/8 cho thấy, giá rau xanh, thực phẩm và nhất là hoa quả tại chợ dân sinh đã tăng hơn so với thời điểm trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách.
Cụ thể, giá một số mặt hàng như rau muống có giá từ 10.000-12.000 đồng/bó; bí xanh có giá 28.000-30.000 đồng/kg, khoai tây 26.000 đồng/kg; bắp cải 20.000 đồng/kg; củ cải 25.000 đồng/kg; chanh 30.000 đồng/kg; đặc biệt giá cà chua trước đây cao nhất là 30.000 đồng thì nay tăng lên 40.000 đồng/kg, thậm chí có nơi tăng đến 45.000 đồng/kg; khoai lang giá từ 20.000 đồng/kg nay lên 26.000-28.000 đồng/kg…
Giá thực phẩm như thịt lợn từ 150.000-160.000 đồng/kg tùy loại, cánh gà công nghiệp từ 80.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg; các loại tôm tăng khoảng 30.000 đồng/kg tùy từng loại; cá trắm trước đây có giá từ 70.000-80.000 đồng/kg thì nay tăng lên 110.000-120.000 đồng/kg; trứng gà từ 50.000-50.500 đồng/chục; trứng vịt 45.000 đồng/chục…
Đặc biệt giá hoa quả, kể từ khi chợ đầu mối Long Biên là nơi cung cấp nguồn hoa quả lớn nhất ở Hà Nội bị đóng cửa thì giá hoa quả tại chợ cũng tăng theo.
Đơn cử như giá cam sành khoảng 1 tuần trước có giá 38.000 đồng/kg thì hiện nay tăng lên 45.000-50.000 đồng/kg; ổi từ 15.000 đồng/kg tăng lên 20.000 đồng/kg; dứa từ 10.000 đồng/quả lên 20.000-25.000 đồng/quả…
Một số tiểu thương ở chợ cho biết, do một số chợ đầu mối ở Hà Nội như chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên bị đóng cửa liên quan đến dịch bệnh nên nguồn hàng nhập về gặp khó khăn, các tiểu thương phải tìm nguồn hàng mới nhập về khiến giá bị đẩy lên cao.
Theo thống kê tính đến ngày 3/8, TP Hà Nội có 20 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, 25 siêu thị và 35 cửa hàng tiện lợi phải dừng hoạt động do có liên quan đến ca nhiễm Covid-19.
Nói về nguồn cung hàng hóa sau khi thông tin về 1 số chợ đầu mối, chợ dân sinh, hệ thống siêu thị đóng cửa để phòng dịch, theo khẳng định của bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, mặc dù một số chợ đầu mối, chợ dân sinh và siêu thị, cửa hàng bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các hệ thống hiện đang mở cửa tiếp tục tăng nguồn cung dự trữ lên 100% so với ngày bình thường, do đó nguồn cung hàng hóa tại các chợ dân sinh và hệ thống bán lẻ vẫn đảm bảo dồi dào phục vụ đủ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.
Mới đây, Sở Công Thương TP Hà Nội cũng cho biết, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, thổi giá.
Trái cây miền Tây rớt giá thê thảm
Sau gần 2 tháng dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, thị trường tại các khu vực này luôn trong tình trạng bất ổn. Ngoài các mặt hàng thuỷ sản, gia cầm rớt giá thảm đang được các bộ, ngành tập trung tìm phương án tháo gỡ thì trái cây cũng là mặt hàng đang rất cần sự quan tâm lúc này.
Anh Tuấn, chủ vườn nhãn ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, đây là lần đầu tiên anh gặp tình trạng nhãn rớt giá thảm như hiện tại. Thậm chí, dù đã “thả”, mặc kệ giá rẻ như cho nhưng cũng không có người thu mua.
“Tầm này năm ngoái, giá nhãn cơm vàng ở mức 30.000 đồng/kg, thế nhưng hiện rớt còn 6.000 đồng/kg. Mà nói thế thôi, 6.000 đồng cũng chẳng ai thèm mua, bảo người ta cứ tự trả giá thấp hơn đi nhưng họ cũng lắc đầu.
Thật ra không phải do họ kén, mà là họ có nhập hàng về cũng không biết bán đi đâu. Tình hình chung nên chúng tôi đành chấp nhận”, anh Tuấn cho hay.
Theo anh Tuấn, trước tình trạng trái cây giá rớt thảm, nhiều nhà vườn trong vùng cố nén nhãn thêm vài ngày để mong thị trường ổn định. Thế nhưng, càng nén thì nhãn càng già và tự rụng, phải đổ bỏ cho cá ăn.
“Nhà tui may mắn hơn, vườn 5 tấn nhưng bán tháo được 4 tấn rồi, còn 1 tấn này chín quá rồi, đã xác định đem đổ cho cá ăn. Nếu tính chung, thì mùa nhãn năm nay, 50% là dân tụi tui bán lỗ 6.000 đồng/kg, còn 50% còn lại đổ cho cá ăn”, anh Tuấn thở dài.
Cũng theo anh Tuấn, chi phí chăm trồng cây nhãn không quá cao nhưng cũng không rẻ. Với tình hình này, nếu các năm sau được mùa, được giá, người dân cũng phải mất 2 năm mới lấy lại vốn.
Tương tự, anh Chín, chủ miệt vườn Chín Hồng (Cần Thơ) cho biết, tất cả các loại trái cây đều rớt 2/3 giá. Trong đó, chôm chôm và sầu riêng là hai mặt hàng khiến người dân lao đao nhiều nhất.
“Trước dịch, chôm chôm đang giá 27.000 đồng/kg, giờ thì bán 7.000 đồng/kg. Sầu riêng trước dịch giá 55.000 đồng/kg, giờ còn có 23.000 đồng/kg. Chưa kể chi phí chăm trồng cây sầu riêng nó tốn kém lắm. Đà này thì các vựa sầu có nước phá sản thôi, chứ tiền đâu mà trả tiền phân, tiền công”, anh Chín nói.
Đối với chôm chôm là loại trái cây phải thu hoạch đúng thời gian, các chủ vườn buộc bán lỗ. Bởi nếu kéo dài thời gian, đến lúc quả úng và rụng thì còn tốn công sức thu dọn. Hiện chôm chôm đã cuối mùa, cũng vừa lúc bà con thu hoạch hết. Một mùa lỗ đậm.
Ông Nguyễn Văn Phát – Giám đốc Hợp tác xã nhãn Tích Phước (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, giá nhãn chỉ còn 8.000 đồng/kg. Các nhà vườn lỗ nặng do chi phí tăng mạnh, dù giá thấp như vậy nhưng đến nay các xã viên vẫn còn trên 40 tấn chưa tiêu thụ được.
Theo ông Phát, hiện hợp tác xã đã phản ảnh đến lãnh đạo địa phương, nhờ hỗ trợ tìm đầu ra, gỡ khó trong khâu lưu thông tuy nhiên tình hình không khả thi.
Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những vựa nông sản lớn nhất cả nước, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Vì thế, việc 19 địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến cho khâu tiêu thụ các loại nông sản, trái cây có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch gặp nhiều khó khăn, cần nhanh chóng tháo gỡ.