Hàng năm, cứ đến rằm tháng 7 (âm lịch), ăn chay trở thành thói quen, nét văn hóa của người Việt để hướng lòng đến điều thanh tịnh, báo hiếu song thân. Theo đó, thị trường thực phẩm chay cũng bán rất “chạy”.
“Hút” khách ngày rằm
Tại chợ phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An thực phẩm chay được bán với số lượng nhiều hơn ngày thường, bao gồm đủ loại từ rau, củ, quả tươi, tàu hủ đến những loại chế biến sẵn như: Nem, chả chay, thịt heo quay, sườn non chay,… Nhìn chung, các mặt hàng này đều tăng giá so với ngày thường. Theo bà Hạnh, ở phường 4, TP.Tân An: “Nếu ngày thường, tôi mua 1kg khổ qua đèo giá 7.000 đồng thì những ngày cận rằm và rằm, giá lại tăng đến 12.000 đồng/kg. Các loại rau ăn sống, nấm rơm cũng tăng giá vài ngàn đồng/kg so với ngày thường. Ngoài ra, hoa cúng rằm cũng có giá tăng hơn”.
Giá thực phẩm chay trong dịp rằm tháng 7 “nhỉnh” hơn ngày thường, bởi những mặt hàng này rất “hút” khách nên tiểu thương tự ý tăng giá. Bà Thủy, tiểu thương ở chợ phường 2 cho biết: “Giá lấy các loại rau, củ, quả vào những ngày cận rằm tháng 7 tăng hơn ngày thường nên khi bán cho khách hàng, tôi cũng phải tăng giá. Dù giá cả có tăng nhưng nhu cầu, sức mua của khách hàng vẫn cao. Vì thế, tôi lấy số lượng các mặt hàng chay phục vụ thị trường tăng gấp đôi so với ngày thường”.
Ngoài các loại thực phẩm chay bày bán ở chợ, tại Siêu thị Co.opmart Tân An, các loại rau xanh, củ, quả tươi đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng được khách hàng mua khá nhiều với giá cả ổn định như ngày thường. Bên cạnh đó, các quán bán cơm, thức ăn chay như Hoa Sen, Âu Lạc,… cũng đông nghẹt người vào các buổi trưa và chiều của mùa Vu Lan. Chị Nguyễn Ngọc Thảo, ở phường 3, TP.Tân An cho biết: “Vì bận đi làm nên để tiện lợi, ngày rằm, tôi đến ăn ở các quán chay. Ở đây, món ăn vừa miệng, giá cả hợp lý”.
Ít chọn thực phẩm chay chế biến sẵn
Dù thị trường thực phẩm chay đa dạng nhưng các mặt hàng tươi, sống như rau, củ, quả vẫn hút khách hơn những sản phẩm chế biến sẵn. Chị Tuyền, một tiểu thương kinh doanh thức ăn chay chế biến sẵn chia sẻ: “Vài năm trước, những mặt hàng chay giả mặn như thịt heo quay, sườn non, đùi gà,… được người tiêu dùng mua nhiều nhưng gần đây thì số lượng này giảm. Vì vậy, rằm tháng 7 năm nay, tôi cũng giảm số lượng những mặt hàng này, mỗi loại như khổ qua đèo kho, khổ qua sấy khô, cá cơm, tàu hủ kho,… tôi chỉ chế biến khoảng 4-6kg để bán mấy ngày này và phân ra từng gói nhỏ, bán với giá 10.000 đồng/gói”.
Thực phẩm chay chế biến sẵn không còn “sức hút” như trước đây vì không ngon. Chị Nguyễn Thị Lệ, ở xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An nói rằng: “Những loại thức ăn chay chế biến sẵn dành cho người ăn chay trường để dễ dàng thay đổi món này, món kia cho đỡ ngán. Tuy nhiên, những món như đùi gà, thịt heo quay chay,… đa số làm bằng bột nên dễ ngán. Hơn nữa, những món này khi bán để nguội, phải hâm đi hâm lại vài lần nên không ngon. Với những người đi làm bận bịu không có thời gian chế biến nên mua thực phẩm chay chế biến sẵn. Còn tôi có thời gian vì chỉ ở nhà lo nội trợ nên thường mua rau, củ, quả tươi về nhà tự nấu, vừa ngon, vừa bảo đảm vệ sinh”.
Ngoài ra, người tiêu dùng e ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm nên hạn chế lựa chọn thực phẩm chay chế biến sẵn. Bà Đinh Thị Tuyết, ở phường 4, TP.Tân An cho rằng, bà ít khi ăn chay nhưng cứ đến rằm tháng 7 hàng năm, bà đều ăn chay vào ngày 14, 15 âm lịch. Khi ăn chay, bà ra chợ mua rau, củ, quả về tự chế biến chứ không mua những loại làm sẵn. Thức ăn chay đã chế biến dù tiện lợi nhưng có nhiều món như cá cơm chiên giòn, sườn non chay,… sử dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần nên bà không dám chọn mua. Hơn nữa, nhìn những món chế biến sẵn khá bắt mắt nhưng lo sợ có dùng phẩm màu nên bà “nói không” với thực phẩm chay chế biến sẵn.
Nhìn chung, các mặt hàng phục vụ bữa ăn chay tuy có tăng giá so với ngày thường nhưng sức mua vẫn rất mạnh. Vì vậy, thị trường thực phẩm chay ngày rằm tháng 7 ngoài mang đến những bữa cơm thanh tịnh cho nhiều gia đình còn là những ngày “ăn nên làm ra” của các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng này.
Nguyễn Ngọc