Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), giá các mặt hàng thực phẩm toàn cầu giảm nhẹ trong tháng 7, dẫn đầu là giá một số loại ngũ cốc, sữa và đường, bù đắp giá tăng đối với mặt hàng thịt và dầu.
Chỉ số giá thực phẩm FAO tháng 7 đạt trung bình 170,9 điểm, giảm 1,1% so với tháng 6, nhưng tăng 2,3% so với tháng 7 năm ngoái.
Trong đó, Chỉ số giá ngũ cốc giảm 2,7% so với tháng 6, nhưng lại tăng 4,1% so với tháng 7 năm ngoái. Mức giảm nhìn chung chủ yếu là do giá lúa mỳ và ngô giảm, phản ánh nguồn cung dồi dào. Trái lại, chỉ số giá gạo đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp ổn định trong bối cảnh giao dịch trầm lắng.
Chỉ số giá dầu thực vật tăng 0,8% trong tháng 7, dẫn đầu là dầu đậu nành và dầu hướng dương, đủ cân bằng với giá dầu cọ giảm mạnh. Giá dầu cọ giảm chủ yếu do sản lượng cọ tiếp tục tăng ở khu vực Đông Nam Á, kết hợp với nhu cầu nhập khẩu thế giới ảm đạm.
Chỉ số giá thịt tăng 0,6% so với giá trị đã điều chỉnh cho tháng 6, đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp giá thịt tăng. Giá thịt bò và thịt cừu tiếp tục tăng trong tháng 7, được hậu thuẫn bởi nhu cầu nhập khẩu từ châu Á và nguồn cung từ Đại Tây Dương giảm theo mùa. Mặt khác, giá thịt lớn giảm nhẹ sau 4 tháng tăng liên tiếp, phản ánh nguồn cung xuất khẩu dồi dào từ Braxin và Mỹ.
Chỉ số giá sữa giảm 2,9% so với tháng 6, phản ánh tháng giảm thứ hai liên tiếp, do giá bơ giảm, theo sau là pho mát và sữa bột nguyên kem.
Chỉ số giá đường giảm 0,6% so với tháng trước, chủ yếu do dự đoán năng suất mía tăng ở Ấn Độ, nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới. Giá đường thế giới giảm một phần bởi sự tăng giá đồng Real Braxin làm hạn chế xuất khẩu từ Braxin, nhà xuất khẩu đường hàng đầu thế giới.
M.H (Theo FAO)