Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu giảm trong tháng 8, chủ yếu do giá ngũ cốc và đường giảm.
Chỉ số giá thực phẩm FAO, theo dõi sự thay đổi hàng tháng về giá quốc tế của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch phổ biến, đạt trung bình 169,8 điểm trong tháng 8/2019, giảm 1,1% so với tháng 7/2019 trong khi vẫn tăng 1,1% so với mức tháng 8/2018.
Trong đó, Chỉ số giá ngũ cốc giảm 6,4% so với tháng trước. Giá ngô giảm mạnh do kỳ vọng về một vụ thu hoạch lớn hơn nhiều so với dự kiến trước đây tại Mỹ – nhà sản xuất và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới. Giá lúa mì vẫn chịu áp lực giảm, phản ánh nguồn cung xuất khẩu dồi dào, song giá gạo tăng do ảnh hưởng theo mùa cũng như lo ngại về tác động của thời tiết đối với cây lúa ở Thái Lan.
Chỉ số giá đường đã giảm 4,0% so với tháng trước, phần lớn là do sự suy yếu của đồng Real Brazil, cũng như triển vọng của các lô hàng xuất khẩu lớn hơn từ Ấn Độ và Mexico.
Ngược lại, Chỉ số Dầu thực vật tăng 5,9% trong tháng 8, đạt mức cao nhất 11 tháng trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng đối với dầu cọ cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi ở các khu vực đang phát triển mạnh ở Indonesia. Giá dầu đậu nành cũng tăng, một phần do sản lượng nghiền thấp hơn dự đoán ở Bắc Mỹ.
Chỉ số giá thịt tháng 8 tăng 0,5%, và đạt mức tăng 12,3% so với đầu năm nay. Sự gia tăng phản ánh giá thịt lợn tăng, được củng cố bởi nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ từ Trung Quốc, nơi mà dịch tả lợn châu Phi đã ngăn chặn sản xuất trong nước.
Chỉ số giá sữa tăng 0,5% so với mức tháng 7, đảo ngược mức giảm mạnh trong hai tháng trước đó, hờ giá tăng đối với phô mai, sữa bột Skim và sữa bột nguyên kem
Dự báo mới cho sản xuất ngũ cốc toàn cầu
FAO cũng phát hành Báo cáo tóm tắt Cung và Cầu ngũ cốc mới, nâng dự báo tháng 7 về sản lượng ngũ cốc toàn cầu tăng 22 triệu tấn lên 2.708 triệu tấn, cao hơn 2,1% so với năm 2018.
Các điều chỉnh chủ yếu phản ánh triển vọng cải thiện cho sản xuất ngô ở Mỹ. Trong khi đó, FAO đã hạ ước tính sản lượng lúa mỳ toàn cầu vào năm 2019 do năng suất ở Liên minh châu Âu và Liên bang Nga giảm, nhưng dự kiến vẫn cao hơn 5,0% so với năm 2018. Dự báo sản lượng gạo thế giới được điều chỉnh tăng đến 517 triệu tấn, ngang bằng mức kỷ lục của năm ngoái, được thúc đẩy bởi sự gia tăng ở Trung Quốc và Mỹ.
Tiêu thụ ngũ cốc thế giới trong năm 2020 dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới là 2.715 triệu tấn, với tiêu thụ gạo đạt mức cao nhất mọi thời đại là 519 triệu tấn, tương đương tăng 0,5 kg bình quân đầu người so với năm trước. Dự báo tiêu thụ lúa mỳ, ngô và lúa mạch cũng được nâng lên.
Triển vọng thu hoạch tốt khiến dự trữ ngũ cốc thế giới dự báo đạt 847 triệu tấn vào cuối năm 2020, tuy nhiên, sẽ vẫn ở mức khoảng 16 triệu tấn dưới mức mở cửa đầu năm. Dự trữ ngô được dự kiến sẽ tăng mạnh ở Mỹ, trong khi dự trữ lúa mỳ của Trung Quốc hiện đang mở rộng 7,9% và đạt mức cao nhất mọi thời đại.
FAO không thay đổi dự báo về thương mại ngũ cốc thế giới ở mức gần 415 triệu tấn, do tăng thương mại lúa mỳ và gạo sẽ bù đắp giảm thương mại đối với ngô và lúa miến.
M.H (Theo FAO)