Đại dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống, tìm đến những loại thực phẩm lành mạnh hơn như trái cây và tiện lợi hơn như đồ ăn đông lạnh.Nhu cầu tăng nên giá của nhiều loại trái cây và thực phẩm liên quan lên cao, trong khi giá một số nguyên liệu thực phẩm giảm vì các nhà hàng giảm mua.
Đại dịch Covid-19 thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống của thế giới. Mọi người bắt đầu tìm đến những loại thực phẩm lành mạnh hơn, bổ dưỡng cho sức khỏe, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Và thế là quả bơ được thêm vào thực đơn trong khi thịt lợn ba chỉ bị loại ra. Pizza đông lạnh và mì ăn liền cũng được ưa chuộng vì mọi người ở nhà nhiều hơn.
Xu hướng ăn uống này chính là nguyên nhân khiến thị trường nông sản tăng giá. Giá quả bơ tăng hơn 60% so với đầu tháng 3, trong khi giá bơ (từ sữa) giảm mạnh vì nhu cầu mua từ các nhà hàng giảm.
Trái cây tươi “lên ngôi” trong thực đơn
Đại dịch Covid-19 khiến mọi người luôn lo sợ về đồ ăn bên ngoài và điều này đã thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng, theo ông Sylvain Charlebois, giám đốc phòng phân tích thực phẩm nông nghiệp tại Đại học Dalhousie.
Giới chuyên gia cho rằng sau khi các chính phủ gỡ lệnh phong tỏa, một phần xu hướng ăn uống mới này sẽ vẫn tồn tại. Hiện nay, một số người bắt đầu trở lại với thực phẩm đóng gói và sự cải thiện trong chất lượng sản phẩm có thể khiến họ tiếp tục sử dụng chúng sau thời kỳ cách ly. Mọi người có lẽ cũng nấu nướng ở nhà nhiều hơn đi ăn ngoài.
Bơ là một trong những nông sản có giá tăng đột biến trong vài tuần qua. Khi các lệnh phong tỏa đầu tiên có hiệu lực, nông dân ở Mexico, nước sản xuất bơ lớn nhất thế giới, bắt đầu giảm tốc độ thu hoạch vì dự đoán nhu cầu giảm.
Tuy nhiên, món sandwich nướng với bơ nghiền (avocado toast) hay xốt bơ nghiền (guacamole) hóa ra lại là những món ăn ưa thích tại nhà của người dân. Nhu cầu cao hơn rất nhiều so với dự đoán của người trồng nên giá bơ theo đó bị đẩy lên cao. Một thùng bơ Hass từ Michoacan, bang trồng bơ lớn nhất ở Mexico, có giá khoảng 490 peso (20 USD) vào ngày 27/4, tăng 63% so với đầu tháng 3.
Các kệ hàng nông sản khác ở siêu thị cũng nhanh chóng trống trơn. Theo số liệu từ công ty nghiên cứu IRI, doanh số bán lẻ cam chanh tại Mỹ tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3.
“Nhìn chung, mọi người đang đánh giá quá cao về lợi ích sức khỏe của tất cả mặt hàng nông sản tươi”, ông Roland Fumasi, chuyên gia phân tích tại RaboResearch, nói.
Ví dụ, người tiêu dùng tăng mua cam chanh vì họ nghĩ hàm lượng vitamin C trong loại quả này có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Từng là một thức uống buổi sáng không còn được ưa chuộng vì lượng đường cao, nước cam giờ cũng được mua nhiều. Kết quả, giá nước cam giao dịch tại New York tăng khoảng 17% kể từ cuối tháng 2.
Tại châu Á, người tiêu dùng cũng chuyển sang các thực phẩm truyền thống để bảo vệ bản thân khỏi virus corona, theo ông Tan Heng Hong, chuyên gia về thực phẩm và đồ uống ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại công ty nghiên cứu Mintel. Tại Việt Nam, mọi người có xu hướng tăng tiêu thụ tỏi đen, còn ở Indonesia, người dân bắt đầu tích trữ jamu, một loại thuốc truyền thống được làm từ các nguyên liệu tự nhiên.
Sự phục hồi của thực phẩm đóng gói
Đối với rất nhiều người, ăn uống trở thành việc giúp họ thoát khỏi sự buồn chán và căng thẳng trong thời gian thực hiện cách ly xã hội. Tại các cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng dần quay trở lại với những mặt hàng mà họ từng bỏ qua vài tháng trước như thực phẩm đóng gói.
Đầu tháng 4, ông Mark Schneider, CEO của Nestle SA cho biết nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống cần thiết tăng rất mạnh. Bên cạnh các thương hiệu nước giải khát và thực phẩm phổ biết, Nestle cũng là nhà sản xuất pizza đông lạnh DiGiorno và mì ăn liền Maggi.
Cuối tháng 3, ông Sean Connolly, CEO của Conagra Brands, tập đoàn sở hữu thương hiệu Duncan Hines (đồ ngọt), Chef Boyardee (sản phẩm đóng hộp) và Birds Eye (thực phẩm đông lạnh), nhu cầu tăng mạnh ở tất cả phân khúc thực phẩm.
Tiêu thụ đồ ăn vặt cũng tăng, một phần vì mọi người phải ở nhà và làm những việc tốn ít năng lượng hơn, như ngồi một chỗ và xem phim trên Netflix. Tại Hàn Quốc, doanh số bán đồ ăn vặt tại một hệ thống cửa hàng tiện lợi nổi tiếng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu tháng 3, theo Euromonitor International.
Nạn nhân của Covid-19 trong ngành thực phẩm
Trong khi đó, lệnh phong tỏa buộc các nhà hàng phải đóng cửa, trở thành “hòn đá” đè nặng lên một số mảng khác của nông nghiệp. Thịt xông khói và sữa là 2 trong nhiều thực phẩm bị người tiêu dùng bỏ lại trong mùa dịch Covid-19. Người nông dân Mỹ buộc phải tiêu hủy nguồn cung dưa thừa vì nhu cầu từ các nhà sản xuất bơ và phô mai sụt giảm. Kết quả, giá bơ giao dịch tại Chicago xuống thấp nhất 10 năm, giá phô mai cũng lao dốc.
Một nạn nhân khác là các nhà cung cấp khoai tây chiên tại Bỉ, quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm khoai tây đông lạnh với hơn 160 quốc gia là khách hàng. Tuy nhiên, vì lệnh phong tỏa nên nhu cầu loại thực phẩm này từ các nhà hàng cũng giảm theo. Ngay cả khi áp dụng chính sách mua mang đi, nhiều nhà hàng vẫn giảm thực đơn. Còn người dân khi nấu nướng ở nhà lại không cần sử dụng nhiều nguyên liệu như khi đi ăn ở bên ngoài.
Theo đó, giá khoai tây chế biến tại châu Âu giảm gần 90% kể từ đầu năm nay, xuống gần mức thấp kỷ lục.
Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng có lẽ hài lòng hơn khi chi 20 USD để mua thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa hơn là chi cho một bữa ăn ở bên ngoài, ông Nicholas Fereday, chuyên gia phân tích cấp cao về thực phẩm tiêu dùng tại RaboResearch, cho hay. Sự phục hồi của thực phẩm đóng gói cũng có thể tác động tới thói quen mua hàng của người tiêu dùng trong dài hạn.