Thay vì đi ăn hàng, cả gia đình cùng nhau quây quần bên mâm cơm sum họp ngày 20/10 là một gợi ý không tồi.
Mâm cơm ngày 20/10 có những món sau:
– Gà không lối thoát
– Lẩu bò chua cay
– Nộm bê tái chanh
– Bánh khoai môn chiên.
1. Gà không lối thoát
Nguyên liệu: Gà mái tơ (1,2kg – 1,5kg), gạo nếp: 1kg, hành khô: 100g, nước cốt dừa: 250ml, hạt nêm, bột canh, dầu ăn, màng bọc thực phẩm, nồi hấp cách thủy.
Cách làm gà không lối thoát như sau:
– Gạo nếp nên chọn loại dẻo như nếp cái hoa vàng, nếp nương thì vỏ ngoài mới giòn ngon. Vo gạo nếp cho sạch, ngâm gạo với nước, cho thêm 1 thìa muối hạt, ngâm từ 6-8h cho gạo nở mềm. Sau đó, bạn vớt gạo ra rồi xả lại với nước, để ráo. Tiếp theo, cho gạo vào nồi hấp cách thủy, dùng tay dàn đều.
– Hành khô 1 phần phi thơm, 1 phần băm nhỏ.
– Gà mái tơ sơ chế thật sạch, mổ moi, chặt bỏ phần chân và phao câu. Hoặc bạn chỉ mổ moi và giữ nguyên con cũng được, nhưng khi bó xôi sẽ hơi khó.
– Ướp thịt gà với hành khô băm nhỏ, 1 thìa cà phê gia vị, 1 thìa cà phê hạt nêm. Xoa đều gia vị lên thân gà, cố gắng xát cả vào bụng gà để gà ngấm gia vị ít nhất 4 tiếng.
– Chuẩn bị nồi nước sôi để hấp cách thủy, cho gạo vào khay rồi cho gà lên trên gạo, bắc nồi lên bếp để to lửa cho gà chín tới. Nồi hấp nên đủ rộng và cao để cho hết được gạo và nguyên cả con gà vào đồ cùng lúc.
– Sau khi hấp khoảng 30 – 40 phút, gà chín tới, lưu ý không hấp gà quá kỹ vì còn bọc trong xôi chiên lại.
– Vớt gà ra đĩa cho nguội. Riêng phần xôi ở trong nồi, bạn thêm 250ml nước cốt dừa, trộn đều, đồ thêm 7-10 phút nữa cho xôi mềm và ngấm nước cốt dừa.
– Dùng màng bọc thực phẩm trải rộng ra 1 mặt phẳng, cho toàn bộ phần xôi đã hấp ra màng bọc, dàn mỏng đều nhưng không bị thưa. Rắc lên xôi phần hành khô đã phi vàng và đặt gà vào giữa khay xôi.
– Bó xôi bao kín con gà, gói nhanh và chắc tay lúc xôi còn nóng để khi chiên không bị vỡ, gây ra việc ngấm dầu vào trong và món gà không lối thoát sẽ giữ nguyên được hình dạng khi chiên. Bạn lưu ý làm phần này thật cẩn thận, làm sao để xôi không bị hở mà phủ đều gà nhé!
– Sau khi gói xôi xong, bạn bóc bỏ màng bọc thực phẩm, để xôi gà nguội, hơi se mặt thì đem đi chiên.
– Dùng chảo chống dính loại lớn, đủ cho cả bọc xôi gà vào. Cho ít nhất nửa chảo dầu ăn, đun nóng già rồi cho xôi bọc gà vào chiên vàng đều các mặt, vừa chiên vừa múc dầu nóng dội đều lên quả xôi để xôi vàng đều và giòn ngon. Khi chiên để lửa vừa và nhỏ, sau khi chiên xong, vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
Trước khi ăn, bạn dùng kéo cắt nhẹ vào phần xôi, sau đó tách đôi hoặc tách 4 vỏ xôi, mở ra sẽ thấy phần thịt gà bên trong vàng ươm, nóng hổi rất ngon.
2. Lẩu thái chua cay
Nguyên liệu: Xương lợn, xương gà, cà chua, dứa, gừng, riềng, ớt, sả, lá chanh, hành khô, me chua, sa tế, đường, tỏi khô, hạt nêm, khoai môn, rau cải thảo, cải ngọt, tôm, mực, ngao, thịt bò, đậu phụ, váng đậu.
Cách làm lẩu Thái chua cay như sau:
– Sơ chế và rửa sạch các nguyên liệu.
– Khâu chế biến nước lẩu là quan trọng nhất nên bạn cần lưu ý các bước sau:
+ Xương gà và xương lợn, rửa sạch, đun qua 1 lần nước rồi rửa sạch lần nữa cho hết hôi. Sau đó cho tất cả vào nồi.
+ Đổ xâm xấp nước ngang mặt xương, thả vào vài lát gừng, riềng, sả đập dập, cà chua thái múi cau, vài lá chanh, đun sôi bùng lên thì hạ nhỏ lửa, đun liu riu. Khi đun được 15 phút thì đổ thêm lượng nước vừa ăn, thả vài miếng khoai môn, ngô ngọt vào nồi.
+ Nấm hương xào cùng dứa và cà chua, rồi đổ vào nồi nước lẩu.
+ Gừng, riềng, sả, hành khô, tỏi đập dập, băm nhỏ. Ớt bỏ hạt, xắt nhỏ. Phi thơm hành trên chảo dầu rồi cho tất cả các gia vị vừa băm vào xào thơm.
+ Đổ các loại gia vị vừa xào vào nồi nước lẩu, nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng là được.
3. Nộm bê tái chanh
Nguyên liệu: Thịt bê non, sả, gừng, riềng, mè rang, chanh quả, ớt tươi, rau ngổ, rau thơm, lá chanh, khế chua, gia vị.
Cách làm bê tái chanh như sau:
– Thịt bê sơ chế sạch, thái miếng thật mỏng, trần qua 1 lượt nước sôi rồi để ráo. Ướp thịt bê với hỗn hợp mắm + đường + chanh, để ngấm 20 phút.
– Tiếp theo cho vào tô sả đập dập băm nhỏ, giềng, gừng băm nhỏ, khế chua thái mỏng, lá chanh thái rối, rau thơm và rau ngổ cắt nhỏ, dùng găng tay trộn thật đều, nêm nếm gia vị, thêm mè rang và ớt tươi rồi bày ra đĩa.
4. Bánh khoai môn chiên
Nguyên liệu: Khoai môn, đường, bột chiên giòn, dầu ăn
Cách làm bánh khoai môn chiên như sau:
– Khoai môn hấp chín, đem nghiền nhuyễn rồi trộn với chút đường. Sau đó vê viên khoai, ấn hơi dẹt.
– Lăn từng viên khoai qua 1 lớp bột chiên giòn hơi dày 1 chút.
– Thả khoai vào chiên ngập dầu, khi khoai vàng đều thì vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu là hoàn thành.
Chúc các bạn có 1 mâm cơm ngon ngày 20/10 này nhé!