Nếu không đi chơi xa vào dịp lễ 30/4, 1/5 sắp đến thì bạn có thể tận hưởng bằng cách tự tay vào bếp làm những món ngon đãi người thân, từ nguyên liệu dễ tìm, dễ làm và quan trọng hơn hết là làm cho người mình yêu thương. Nào là gỏi gà bắp cải, tôm hấp sốt tỏi, bò cuốn lá lốt chiên… những món ngon hấp dẫn dễ làm thế này sẽ khiến gia đình bạn thích thú hơn trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đấy!
1. Gỏi gà bắp cải đơn giản
Món khai vị đầu tiên thường sẽ lót bụng bằng gỏi gà, với công thức gỏi gà bắp cải siêu đơn giản này bạn sẽ dễ dàng thực hiện mà không vấp gì khó khăn hết. Dùng ức gà trong món gỏi gà này sẽ khiến bạn không ngán, và hơn hết là phần thịt ức gà lại trở nên mềm ngon khi thấm đẫm các gia vị trộn.
Đầu tiên sơ chế ức gà, đem luộc chín rồi vớt ra ngoài, sau đó xé nhỏ để qua một bên. Bắp cải thái sợi rồi cho thêm muối ướp khoảng 10 phút cho mềm, rồi chắt bỏ nước tiết ra cho ráo. Hành tây bạn cũng xử lý tương tự, thái sợi rồi cho đường cùng giấm gạo trộn đều, ướp 15 phút cho hành tây ra nước thì chắt bỏ đi. Còn cà rốt thái sợi, rau húng quế cắt khúc ngắn, ớt băm nhỏ.
Để có được món gỏi ngon thì cũng cần phải có nước trộn gỏi ngon, cách pha như thế này là chuẩn nhất: 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh nước cốt chanh, ớt băm rồi khuấy đều cho đường tan hết. Sau đó cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế vào âu, rồi cho nước trộn gỏi vào luôn, trộn thật đều nguyên liệu.
Món gỏi gà bắp cải trộn kiểu này khá đơn giản, làm ức gà không khô, khó ăn và cảm thấy ngán nữa đúng không?
2. Tôm hấp sốt tỏi
Tiếp theo sẽ là một gợi ý mà chắc chắn rất nhiều gia đình chưa thử qua đâu, chính là tôm hấp sốt tỏi. Món ăn vừa đơn giản, bắt mắt lại chắc chắn sẽ quyến rũ không kém bất cứ món hấp nào. Bởi vì chỉ cần là món hấp thì đã giữ lại hết các chất dinh dưỡng cũng như sự ngon lành của món ăn, hơn hết tôm kết hợp với tỏi tại bổ sung dưỡng chất cho cơ thể tuyệt vời nữa.
Nghe cái tên món ăn thì bạn đã biết mấu chốt là gì rồi đúng không? Chính xác là sốt tỏi. Cách làm sốt tỏi cũng cực kỳ đơn giản, bạn cho 2 muỗng canh tương ớt, 2 muỗng canh dầu hào, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước tương cùng 1 muỗng canh ớt sa tế cùng 100g tỏi phi vàng khuấy đều trên chảo, đun hỗn hợp vừa sôi thì nhắc xuống.
Sau đó bạn bắp đầu quá trình hấp tôm trong nồi, nhưng đặc biệt hơn chút là khi hấp tôm bạn có thể kèm thêm bún gạo hoặc miến ở dưới rồi xếp tôm lên trên. Tiếp theo rưới nước sốt tỏi lên từng con tôm và 1 ít ra phần bún gạo. Cuối cùng rãi đều ớt chuông cắt hạt lựu xung quanh cho có thêm màu. Đem dĩa tôm đi hấp cách thủy 12 phút cho tôm vừa chín tới.
Vậy là xong rồi, bạn đã có ngay một dĩa tôm hấp sốt tỏi vừa đặc biệt vừa hấp dẫn, mùi thơm thì không còn phải nói đến rồi.
3. Bò cuốn lá lốt chiên
Bò cuốn lá lốt chiên là món được khá nhiều chị em quan tâm bởi nó là món ăn phổ biến, thế nhưng trong dịp lễ này có ai nghĩ đến món này chưa? Bò cuốn lá lốt vừa đơn giản lại vừa dễ làm. Thay vì làm nhân thịt bò hay thịt heo cố định thì lần này bạn cho cả hai loại thịt vào cùng để tạo độ ngon hơn nữa.
Khi ướp thịt bò cùng thịt heo thì thêm vào hành tím, lá lốt băm nhỏ, bột ngọt, bột canh, hạt tiêu rồi để yên khoảng 5-10 phút cho gia vị thấm đều. Sau đó chỉ cần cho thịt vào mặt trong lá lốt rồi gói lại thôi. Chính vì đơn giản như vậy nên bạn có thể cùng bé nhà mình cùng làm cho vui. Sau khi đã gói hết lá và thịt thì bạn chiên vàng 2 mặt trên chảo nóng.
Bò cuốn lá lốt có hương thơm ngào ngạt đặc trưng của lá lốt, lại thêm vị béo ngon hấp dẫn của thịt, ăn không hoặc ăn kèm bún đều rất ngon đấy!
4. Gà hấp bằng nồi cơm điện
Tiếp theo sẽ là gợi ý làm bạn tiết kiệm thêm nhiều thời gian để làm món khác đây, gà hấp bằng nồi cơm điện. Như mình đã nói ở trên, những món hấp là những món ăn cực kì dinh dưỡng bởi nó giữ lại hết các chất và không bị mất đi nhiều như các món chiên rán.
Thế nhưng nhiều mẹ nghĩ gà hấp bằng nồi cơm điện thì làm sao mà ngon và đậm đà được. Vậy mà có cách đó, ướp gà trước đó với 15ml nước tương, 15ml rượu gia vị, 3g muối, một ít gừng thái chỉ và 2 cây hành lá cắt khúc trong ít nhất 30 phút. Sau đó cho gà vào nồi cơm điện hấp khoảng 20-30 phút. Khi gà chín thì bạn lấy ra và chặt thành từng miếng nhỏ.
Chưa gì hết bạn đã ngửi được mùi thơm của gà rồi đúng không? Nhưng đợi chút, bạn phải làm thêm nước chấm cho phù hợp. Đun 1 muỗng canh dầu hào, 15ml nước tương và 60ml nước rồi khuấy đều, khi hỗn hợp vừa sôi thì tắt bếp, để nguội. Khi ăn chấm gà với nước sốt để gà hấp thêm đậm đà và dậy mùi.
5. Cá chép om dưa
Cá chép om dưa là một món ăn gia đình đặc trưng của miền Bắc, có hương vị chua thanh từ cải chua và cà chua, nhưng bạn cũng có thể điều chỉnh gia vị cho phù hợp với khẩu vị gia đình mình. Bởi cá chép om dưa có thịt cá dai ngọt, rất bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe mọi người, và hơn hết là nó rất dễ làm!
Sau khi xử lí cá chép thì ướp với 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh tiêu xay và 1 muỗng canh nước mắm trong 10 phút để hương vị cá được đậm đà. Trong khi đó bạn phi thịt ba chỉ cùng với tỏi cho phần mỡ săn lại, sau đó cho thêm 2 quả cà chua vào xào cùng để tạo màu đỏ đep. Tiếp đó cho thêm dưa cải chua vào rồi nêm nếm với đường, nước mắm, hạt nêm và muối rồi xào thêm 5 phút cho thịt ba chỉ và cải chua thấm gia vị.
Lúc này thêm nước dùng gà vào đun đến khi sôi thì nêm nếm lại gia vị, rồi cho cá chép vào om. Nấu chín một mặt rồi trở mặt tiếp theo để cá chép chín đều. Cuối cùng là 2 thành phần tạo nên đặc trưng cho món ăn này đó là thì là và hành lá, cho vào rồi nhắc xuống dùng ngay khi cá còn nóng để hương vị món ăn được thơm ngon nhất nhé! Khi ăn đến đâu thì cho thì là và hành lá đến đó để vừa tái là ăn được.
6. Lẩu bao tử hầm tiêu xanh
Món cuối cùng không thể thiếu trong bất kì bữa ăn ngày lễ nào chính là lẩu, tuy nhiên món lẩu mình sắp giới thiệu đây chắc chắn bạn sẽ mê mẩn hoài thôi, bởi nó không liên quan đến thịt cá mà là dùng bao tử hầm cùng tiêu xanh. Nghe có vẻ hơi lạ và khó ăn, tuy nhiên bạn sẽ bất ngờ khi thưởng thức được hương vị món lẩu này đấy!
Làm thật kĩ bao tử, bao tử khi mua về phải rửa sạch thêm lần nữa, lộn mặt trong của bao tử rồi dùng kéo cắt bỏ bớt phần mỡ thừa. Sau đó sát muối và chanh vào 2 mặt của bao tử, bóp mạnh tay để khử bớt mùi hôi và giúp bao tử giữ được màu trắng đẹp. Rửa bao tử sạch lần nữa, rồi dùng phèn chua chà sát vào 2 mặt của bao tử, giúp bao tử hết nhớt hoàn toàn và khi nấu lên sẽ giữ được độ giòn. Lần làm sạch cuối cùng là trụng bao tử vào nước gừng cùng rượu trắng được nấu sôi.
Sau khi trụng gắp bao tử ra rồi dùng dao hoặc kéo cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Ướp bao tử cùng với 3 lát gừng, 3 nhánh tiêu xanh, đường, hạt nêm, muối, bột ngọt và tiêu giã nát khoảng 15 phút. Rồi khìa bao tử đến khi cạn nước, bao tử sẽ có màu vàng đẹp mắt.
Chuẩn bị phần nước dùng xương heo, trụng sơ 300gr xương đuôi heo với nước sôi để khử mùi hôi, vớt xương ra rửa sạch rồi cho vào nồi nấu với 2.5 lít nước cùng 1 muỗng cà phê muối. Nấu lửa lớn cho nước sôi thì bạn vớt bọt, hạ nhỏ lửa hầm 1 tiếng để lấy nước dùng. Đổ phần bao tử vừa khìa vào nồi nước dùng cùng với củ sen và tiêu xanh. Nấu cho sôi rồi hạ lửa nhỏ hầm 40-45 phút, đến khi nào bạn thấy miếng bao tử mềm nhưng vẫn giữ được độ giòn sựt. Cho nấm mèo (đã ngâm nở, cắt miếng khoảng 4cm) vào nồi nước hầm, nêm 3 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối cùng 1 muỗng canh nước mắm. Tiếp tục nấu 5 phút nữa rồi nhắc xuống.
Vậy là bạn đã hoàn tất nồi bao tử hầm tiêu xanh thơm ngon nồng nàn này rồi. Lẩu bao tử hầm tiêu xanh ăn cùng với bún hay mì, ăn kèm với rau mồng tơi, rau xà lách xoong hoặc cải bẹ xanh đều ngon.