Từng vùng miền sẽ có các món ăn khác nhau tùy thuộc vào cách ăn uống của từng nơi. Mâm cỗ ngày Tết cũng vậy, người miền Bắc rất chú trọng đến các món ăn trong mâm cỗ mỗi dịp xuân về. Chúng ta hãy cùng điểm qua 8 món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng miền Bắc ngày Tết để xem họ bày biện những món ngon nào nha.
1. Bánh chưng
Nếu miền Trung và miền Nam có bánh tét thì miền Bắc có bánh chưng. Trên bàn thờ tổ tiên miền Bắc không thể thiếu được cặp bánh chưng xanh vuông vức và đẹp mắt. Bánh chưng được xem là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay tạo dựng khéo léo của con người khi làm ra những chiếc bánh chưng ngon.
Bánh chưng gạo lứt là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các món cỗ miền Bắc đó!
Bánh chưng được làm tự gạo nếp và phải chọn loại ngon nhất, thơm nhất để có thể chưng được lâu mà không làm mất hương vị của nó. Đặc biệt bên trong nhân bánh có thể là nhân mặn gồm: thịt, đậu xanh, hành khô, hạt tiêu hoặc nhân chay: đậu xanh, hạt điều. Khi gói phải thật chặt tay bánh mới có hình thù đẹp mắt, chắc chắn, sau khi nấu suốt 14 tiếng cần ép chặt bánh cho nước thoát ra để bánh được ngon. Hương vị bánh thơm lừng và bùi bùi, béo béo ăn cùng dưa muối rất hấp dẫn.
2. Thịt nấu đông
Thịt nấu đông là món ăn chỉ có riêng vào mùa xuân ở miền Bắc. Khi tiết trời lành lạnh, thịt đông càng ngon hơn. Và đặc biệt trên mâm cỗ Tết ở Bắc càng không thể thiếu được món ăn thanh mát này.
Thịt nấu đông được làm từ thịt giò heo nấu chín nhừ cùng nấm hương, nấm mộc nhĩ tạo nên hương vị giòn giòn của nấm, béo ngậy của thịt giò. Sau khi nấu, người ta thường đem thịt ra ngoài trời đậy kĩ để món ăn uống sương và thu lấy cái rét lạnh từ đất trời. Hoặc bạn có thể cho thịt vào trong tủ lạnh để đông dần đều được nha. Món thịt đông trong veo, đẹp mắt được đặt trên mâm cúng thể hiện một năm mới an lành.
3. Xôi gấc
Theo quan niệm của người xưa, xôi gấc có màu đỏ thể hiện sự may mắn, hạnh phúc, đầy tài lộc cho nên vào dịp Tết trên mâm cỗ của người miền Bắc không thể nào thiếu được dãi xôi gấc hấp dẫn.
Xôi được nấu từ gạo nếp mềm dẻo, thơm lừng hòa quyện cùng thịt gấc đỏ mộng, ngọt thanh. Xôi sau khi được đồ chín tạo nên sắc màu tuyệt diệu cho ngày Tết thêm may mắn và mâm cúng thêm hấp dẫn.
4. Canh măng giò heo
Măng khô mà người miền Bắc thường dùng để nấu canh là loại măng lưỡi lợn. Người ta chọn phần măng vừa mới nhú, xé ra phơi nhỏ có hình giống hình lưỡi heo rất đặc, chắc và không lo bị xơ. Măng sau khi đem ngâm nước, luộc và xả sạch, đem xào xơ qua cùng gia vị rồi đem ninh nấu cùng giò heo. Có thể thay thế bằng loại thịt khác như cổ, cánh và chân gà, nhưng ngon nhất vẫn là giò heo.
Một tô canh măng giò heo vừa có độ béo ngậy vừa phải của giò heo vừa có vị chua chua và thơm của măng đậm chất núi rừng. Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc chắc chắn không thể thiếu được món ngon này rồi đó.
5. Dưa hành muối
Dưa hành được xem là món ăn giúp chống ngán khi ăn kèm với những món ăn có nhiều mỡ trong dịp Tết như bánh chưng, thịt nấu đông, thịt kho tàu, thịt luộc. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành không chỉ tăng hương vị cho những món ăn khác mà nó còn giúp kích thích vị giác và giúp bạn dễ tiêu hóa.
Vì vậy, mâm cô Tết miền Bắc không thể không có món dưa hành muối chưng cúng cùng này. Khi chọn mua hành, bạn nên chọn những cù hành chắc mới có thể tiến hành muối dưa hành được ngon.
6. Nem rán
Nem rán là món ăn dễ chế biến, ăn ngon và rất được ưa chuộng. Vào ngày Tết trên mâm cỗ miền Bắc không thể nào thiếu được những chiếc nem rán giòn tan, nóng hôi hổi ăn vào kích thích không ngừng.
Nem rán được làm từ thịt heo, có thể thêm thịt cua hoặc tôm tùy theo ý thích. Ngoài ra, còn có thêm nấm một nhĩ, hành khô, giá, trứng, cà rốt, tiêu, gia vị… Tất cả được trộn đều rồi dùng bánh đa nem gói lại thành từng cuốn tròn xinh và đem rán chín vàng. Điều đặc biệt để làm tăng độ ngon của nem rán chính là phần nước chấm cần phải pha chế thật ngon, hài hòa giữa vị mặn của nước mắm cùng đường, chanh và tỏi ớt băm.
7. Gà luộc
Tuy không biết từ lúc nào nhưng trên mâm cỗ cúng miền Bắc không thể thiếu được hình ảnh của con gà luộc.
Gà luộc phải chọn con tơ, thịt mềm dai, ngọt thịt khi luộc mới được ngon. Những miếng thịt gà sau khi luộc vàng ươm, đã mắt được chưng trên dĩa tạo thêm màu sắc cho mâm cúng. Cách luộc thịt cũng cần chú ý để thịt được ngon và bắt mắt. Sau khi luộc chín, trang trí thịt bằng những sợi chanh thái nhỏ và chén muối ớt bên cạnh để ăn kèm.
8. Giò lụa, giò thủ
Đối với người Việt Nam, đặc biệt là người miền Bắc trong các món nấu cỗ tuyệt không thể không có dĩa giò lụa và giò thủ.
Giò lụa thì được làm từ thịt heo xay nhuyễn, nêm nếm gia vị sau đó được gói trong lá chuối thành hình ống rồi buộc dây lạc và đem luộc, nhưng hấp sẽ ngon hơn nhiều. Những lát giò lụa thái mỏng đặt trên dĩa trắng ngà khiến mâm cúng thêm phần hấp dẫn.
Còn giò thủ được làm thừ tai heo, thịt thủ, không xay nhuyễn mà được thái nhỏ rồi trộn cùng nấm mộc nhĩ và các loại gia vị. Đem xào chín và gói trong lá chuối như giò lụa, giò thủ được hấp cách thủy để tạo độ ngon. Sau khi đã chín, giò thủ có hình dáng đẹp mắt và hương vị ngon nhờ vị dai giòn sựt sựt của nấm, tai heo và beo béo của thịt thủ.
Ngày nay, người ta thường chọn mua giò lụa, giò thủ đã được làm sẵn nhưng chất lượng không chắc có được đảm bảo. Vậy nên bạn cũng có thể tự làm tại nhà và độ ngon không hề thua kém đâu nhé.
Trên đây là những món ăn không thể thiếu trong món cỗ miền Bắc ngày Tết, cùng tham khảo để chuẩn bị mâm cỗ cúng miền Bắc được trọn hơn nhé.