Mô tả
Mô tả: Cây leo sống dai có rễ phình thành củ. Lá to, bóng, hình chân vịt, có 5 thuỳ, tua cuốn chia 3-5 nhánh. Hoa nhỏ, đơn tính, cùng gốc, màu trắng vàng; hoa đực họp thành chuỳ, hoa cái đơn độc ở nách lá; chỉ nhị dính nhau; bầu 1 ô, 1 noãn. Quả thịt hình quả lê có cạnh lồi dọc và sần sùi, to bằng nắm tay, chứa một hạt lớn hình cầu.
Bộ phận dùng: Lá, quả – Folium et Fructus Sechii Edulis.
Nơi sống và thu hái: Nguyên sản ở Brazin, được đem vào trồng ở đảo Reunion từ năm 1836, sau đó được truyền đến các nước miền Nam châu Âu và các nước vùng nhiệt đới. Ta có nhập trồng lấy quả ở vùng có khí hậu mát như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt và vùng phụ cận. Cây Su su có ưu điểm là ít sâu bệnh, quả dễ cất trữ, vận chuyển, năng suất cao. Nhiệt độ thích hợp 12-13oC. Ở miền Bắc, trồng tháng 8-11 (tốt nhất là tháng 9-10) thu hoạch tháng 1-2, rộ nhất tháng 3-4. Có 2 loại giống Su su gai và Su su trơn. Trồng nơi cao ráo đủ ẩm, đào hố bón lót, mật độ trồng 2,5 x 3m hay 3 x 3m. Chăm sóc, che nắng sau khi trồng. Cây cao 1-1,5m, cắm que cho leo giàn, phủ đất kín hốc, bón phân cách gốc 40-50cm, hoặc hoà nước tươi. Sau 2-3 tháng, bắt đầu được thu hoạch, 5-7 ngày hái một lần. Năng suất trung bình 300-500 tạ quả/ha.
Thành phần hoá học: Quả chứa nước 94%, protid 0,85%, glucid 3,7%, có vitamin C 4mg%.
Tính vị, tác dụng: Lá có tác dụng thanh nhiệt tiêu thũng.
Công dụng: Quả Su su là loại rau ngon dịu, có thể luộc, xào, hầm thịt, nấu canh, làm nộm, có thể dùng ngâm nước muối làm dưa, thịt quả có thể giã lấy bột (1 kg quả cho khoảng 13g bột mịn, trắng), còn bã dùng làm thức ăn cho gia súc; bột này có thể dùng làm bánh với trứng, sữa và đường. Chồi ngọn của Su su khi còn non cũng dùng làm rau ăn như các loại đậu Côve, có thể xào, hoặc tráng với trứng (cũng giống như măng tây tráng trứng). Các củ hình thành ở rễ các cây trồng 2-3 năm, có củ nặng 200g – 1 kg. Các củ non có thể dùng nấu ăn thay khoai tây.
Ở Trung Quốc, lá được dùng trị sang dương thũng độc.